Sâm Ngọc Linh – “Quốc Bảo” Việt Nam – Thần dược sức khỏe

Không phải nhân sâm Hàn Quốc, Sâm Ngọc Linh mới chính là loại sâm quý hiếm, bổ dưỡng và đắt giá nhất. Được xem là vị thảo dược đứng đầu trong danh sách các loại dược liệu quý trong Đông y, sâm Ngọc Linh ngày càng được nhiều người ưa chuộng và còn được mệnh danh là “Quốc bảo Việt Nam”.

Đây là một loại “rễ cây” được các nhà khoa học và viện nghiên cứu “tấm tắc” khen ngợi vì mang lại những giá trị to lớn cho sức khỏe. Hãy cùng tìm hiểu chi tiết hơn về nguồn gốc, xuất xứ cũng như công dụng, cách dùng và các lưu ý khi chọn mua vị sâm này nhé!

Sâm Ngọc Linh là gì?

Nguồn gốc – Xuất xứ

Sâm Ngọc Linh có tên khoa học là Panax vietnamensis, thuộc họ Cuồng cuồng, còn được gọi bằng các tên khác như: Sâm Việt Nam, sâm khu năm (sâm K5), sâm trúc, củ ngải rọm con hay cây thuốc giấu. Đây là loại nhân sâm thứ 20 được tìm thấy trên thế giới.

Loại “rễ cây” quý hiếm này được phát hiện tại miền Trung Trung Bộ của nước ta, mọc tập trung chủ yếu ở các huyện miền núi thuộc phía Tây núi Ngọc Linh, huyện Đăk Tô và huyện Tu Mơ Rông tỉnh Kon Tum, huyện Nam Trà My tỉnh Quảng Nam.

Theo các kết quả điều tra mới nhất, sâm Ngọc Linh còn phân bố tại núi Ngọc Lum Heo thuộc xã Phước Lộc, huyện Phước Sơn và có thể có ở đỉnh Ngọc Am tỉnh Quảng Nam. Cho đến hiện nay, tại Việt Nam chỉ có duy nhất 2 tỉnh có sâm Ngọc Linh là Kon Tum và Quảng Nam.

Nguồn gốc - Xuất xứ

Trước khi được các nhà khoa học phát hiện và đưa vào nghiên cứu, sâm Ngọc Linh đã được các đồng bào dân tộc thiểu số sử dụng như một phương thuốc cổ truyền để chữa bệnh và tăng cường sức khỏe, đặc biệt là dân tộc Xê Đăng. Trong những năm hoạt động cách mạng, các cán bộ, chiến sĩ được già làng và người dân vùng này chỉ cho 1 loài thuốc quý để dùng lúc đau ốm, chữa sốt rét, cầm máu, làm lành vết thương,…

Sau này, do nhu cầu của kháng chiến nên ngành dược khu Trung Trung Bộ quyết phải tìm ra loại dược liệu quý này. Đến năm 1973, đoàn cán bộ Y tế Trung Ương do dược sĩ Đào Kim Long làm trưởng đoàn đã tìm thấy cây sâm chi Panax tại miền Trung. Vì có nguồn gốc từ núi Ngọc Linh nên cái tên sâm Ngọc Linh có lẽ cũng xuất phát từ đây.

Năm 1978, các nhà nghiên cứu đã khám phá và phát hiện trên núi Ngọc Linh có khoảng 6.000 – 7.000 cây sâm mọc dày đặc trong một vùng dài hàng chục kilomet, với mật độ từ 1 mét vuông một cây đến 7 – 8 mét vuông một cây.

Sâm Ngọc Linh được mệnh danh là “Quốc bảo Việt Nam” và là “thần dược” chữa bách bệnh. Sinh trưởng và phát triển ở vùng địa lý đặc thù, độ cao gần 2.000m, hấp thụ được các tinh hoa, sinh khí tinh khiết của đất trời nên sâm Ngọc Linh mang trong mình đầy những dưỡng chất quý giá, với hàm lượng Saponin cao.

Hàm lượng Saponin chính là yếu tố quyết định chất lượng của sâm Ngọc Linh nói riêng và các loại sâm khác trên thế giới nói chung. Loại sâm này đặc biệt quý hiếm và có thể nói là tốt nhất trên thế giới hiện nay.

Sâm Ngọc Linh được mệnh danh là "Quốc bảo Việt Nam"
Sâm Ngọc Linh được mệnh danh là “Quốc bảo Việt Nam”

Kết quả phân tích và nghiên cứu của Bộ Y tế Việt Nam từ năm 1978 cho thấy phần thân rễ của cây sâm Ngọc Linh có chứa đến 50 hợp chất Saponin. Trong đó, 26 hợp chất Saponin có cấu trúc hóa học đã biết và 24 Saponin có cấu trúc mới chưa được tìm thấy ở bất kỳ loại sâm nào.

Ngoài ra, các nghiên cứu còn chứng minh được hàm lượng Saponin của sâm Việt Nam cũng cao rất nhiều lần so với những loại sâm khác trên thế giới. Cụ thể là: Cao gấp 3 lần so với sâm Triều Tiên (25 Saponin – hàm lượng 3,5%); 2 lần so với sâm Mỹ (14 Saponin – hàm lượng 4,0%) và sâm Trung Quốc (23 Saponin – hàm lượng 4,5%).

Trong các kết quả nghiên cứu, phân lập thành phần hóa học mới nhất của sâm Ngọc Linh được công bố gần đây đã bổ sung thêm danh sách Saponin lên tổng cộng là 52 loại. Như vậy, sâm Việt Nam là một trong những loại sâm có hàm lượng Saponin nhiều nhất.

Với hàm lượng dồi dào và sự đa dạng các hợp chất Saponin, sâm Việt Nam ngày càng được sử dụng rộng rãi nhằm mục đích mang lại những giá trị to lớn cho sức khỏe con người. Sâm Ngọc Linh đặc biệt hiệu quả trong việc tiêu tế bào lạ, tái tạo tế bào lành, hạn chế khối u phát triển, phòng chống các tác nhân gây bệnh và bồi bổ cho sức khỏe.

Nhờ vậy, sâm Ngọc Linh sánh ngang với các loại sâm quý khác và được mệnh danh là loại sâm quý nhất thế giới.

Hàm lượng Saponin trong sâm ngọc linh

Đặc điểm

Sâm Ngọc Linh mọc tự nhiên ở độ cao từ 1.200m trở lên (có một vài tài liệu ghi chép là 1500m), đạt mật độ cao nhất ở khoảng từ 1.700 – 2.000m, mọc dày thành các tán rừng già, dọc theo các con suối ẩm, nhiều mùn. Đặc tính sinh thái của sâm Ngọc Linh là chỉ mọc trên tầng thảm mục mà không mọc dưới đất.

Vì vậy, sâm thường mọc tập trung dưới chân núi Ngọc Linh ở độ cao 2.578m với lớp đất vàng đỏ trên đá granit dày trên 50cm, có độ mùn cao, tơi xốp và rừng nguyên sinh còn rộng. Ở dưới các tán rừng nguyên sinh, thảm mục dày là những nơi có điều kiện lý tưởng về độ ẩm và thổ nhưỡng cho sâm sinh trưởng và phát triển. Loài sâm này sinh trưởng chậm và có tuổi thọ rất cao, có thể sống trên 100 năm.

Đây là loại cây thảo cao 80 – 100cm, thoạt nhìn trông khá giống với nhân sâm Triều Tiên. Phần thân rễ của sâm Ngọc Linh mọc ngang có đường kính 1 – 2cm, nằm trên mặt hoặc dưới mặt đất khoảng 1 – 3cm, thường mang rễ con và củ. Thân rễ có các đốt giống như đốt trúc (nên còn được gọi là sâm trúc), nhiều cùi thịt và nhiều sẹo.

Đặc điểm của sâm ngọc linh

Thân khí sinh của sâm Ngọc Linh có dạng thẳng đứng, màu lục hoặc hơi tím. Thân cây nhỏ, đường kính từ 4 – 8mm và thường tàn lụi hàng năm. Tuy nhiên, vẫn có một số trường hợp thân tồn tại được trong vài năm.

Các thân mang lá và tương ứng với một thân mang lá là một đốt dài khoảng 0,5 – 0,7cm. Trong năm thứ nhất đến năm thứ 3, sâm chỉ có một lá duy nhất và không rụng. Từ năm thứ 4 trở đi mới có thêm 2 – 3 lá. Lá ở trên đỉnh của thân là dạng lá kép, các lá mọc vòng với 3 – 5 nhánh lá và có hình chân vịt. Cuống lá kép dài 6 – 12mm,  có 5 – 7 lá chét, phiến lá hình bầu dục, chóp nhọn, mép khía có răng cưa và có lông ở hai mặt lá.

Thân và lá Sâm Ngọc Linh
Thân và lá Sâm Ngọc Linh

Cây sâm từ 4 – 5 năm tuổi sẽ có hoa mọc dưới các lá thẳng với thân, hình tán đơn. Phần cuống của tán hoa thường dài 10 – 20cm, có thể có thêm 1 – 4 tán phụ hay một hoa riêng lẻ ở phía dưới tán chính. Mỗi tán lại có thêm 60 – 100 hoa. Cuống hoa có độ dài 1 – 1.5cm, 5 lá đài, 5 cánh hoa màu vàng nhạt, 5 nhị, bầu một ô và 1 vòi nhụy.

Sâm ngọc linh có thêm tán phụ

Quả sâm nhỏ, dài 0.8 – 1cm và rộng khoảng 0.5 – 0.6cm, mọc tập trung ở trung tâm của tán lá. Ban đầu quả có màu màu xanh, sau 2 tháng sẽ chuyển dần sang xanh thẫm hoặc vàng lục và khi chín ngả màu đỏ cam, ở trên đỉnh quả sẽ có một chấm đen. Mỗi quả chứa 1 – 2 hạt, trung bình một cây thường có 10 – 30 quả.

Hạt sâm ngọc linh

Phần thân và rễ củ là các bộ phận chủ yếu được dùng làm thuốc vì chứa lượng Saponin rất cao. Ngoài ra, phần lá và rễ con cũng có thể sử dụng. Để sâm mang lại nhiều dưỡng chất và công dụng nhất thì phải chọn loại sâm từ 7 – 8 tuổi. Thân rễ của sâm có trên 10 sẹo được ước lượng là trên 8 năm tuổi.

Người ta thường dựa vào sẹo trên thân rễ để tính tuổi của sâm. Sau 3 năm tuổi, sâm sẽ có 1 sẹo trên thân rễ do 3 năm đầu sâm chỉ rụng một lá. Lúc này có thể khai thác sâm, nhưng theo khuyến cáo là nên để sâm trên 5 năm tuổi mới khai thác. Bên cạnh đó, mùa thu hoạch tốt nhất phần thân rễ của sâm là vào mùa đông.

Rễ sâm ngọc linh

Thành phần và giá trị dinh dưỡng của sâm Ngọc Linh

Từ năm 1973 đến nay, đã có gần 50 công trình nghiên cứu sinh của các cơ quan, nhà khoa học trong và ngoài nước về sâm Ngọc Linh được bảo vệ thành công luận án phó tiến sĩ, tiến sĩ. Tài liệu nghiên cứu trong năm 1974 – 1975 của Viện Dược liệu Bộ Y tế cho thấy thành phần Saponin triterpen có trong tam thất, nhân sâm và sâm Ngọc Linh chứa 9 hoặc 11 chất có Rf ngang nhau, màu giống nhau ở hai hệ dung môi khác nhau.

Cũng theo kết quả nghiên cứu, sâm Ngọc Linh chứa chủ yếu các Saponin triterpen. So với các loài khác của chi Panax, đây cũng là một trong những cây sâm có hàm lượng Saponin khung pammaran cao nhất (khoảng 12 – 15%) và số lượng Saponin nhiều nhất.

Bên cạnh hàm lượng Saponin dồi dào, các nhà nghiên cứu còn xác định được trong sâm Việt Nam có chứa 14 axít béo, 16 amino acid (trong đó có 8 amino acid không thay thế được) và 18 nguyên tố đa lượng, vi lượng.

Những kết quả nghiên cứu mới nhất cho biết: Về mặt hoá học, thân rễ và rễ củ sâm Ngọc Linh đã phân lập được 52 Saponin, trong đó 26 hợp chất Saponin thường có ở sâm Triều Tiên, sâm Mỹ, sâm Nhật. Trong lá và cọng của sâm Ngọc Linh chứa 19 Saponin dammaran, trong đó có 8 Saponin có cấu trúc mới.

Xác định được trong sâm có chứa đến 17 loại acid amin, 20 chất khoáng vi lượng, hàm lượng tinh dầu là 0,1%. (Theo tiến sĩ Nguyễn Bá Hoạt – Phó viện trưởng Viện Dược liệu Việt Nam).

Thành phần và giá trị dinh dưỡng của sâm Ngọc Linh
Thành phần và giá trị dinh dưỡng của sâm Ngọc Linh

Sâm Ngọc Linh có tác dụng gì đối với sức khỏe?

Trước khi được đưa vào nghiên cứu và thử nghiệm, sâm Ngọc Linh đã được các đồng bào dân tộc thiểu số ở Xê Đăng sử dụng như một loại thuốc quý để chữa vết thương do tai nạn, côn trùng cắn, cầm máu, trị sốt rét, đau bụng và làm thuốc bổ,…

Ngày nay, thông qua quá trình nghiên cứu dược lý thực nghiệm đã chứng minh sâm Ngọc Linh mang đến nhiều công dụng thần kỳ trong việc hỗ trợ điều trị các bệnh lý, cải thiện và nâng cao tình trạng sức khỏe. Cụ thể là:

Tăng cường sức đề kháng

Các hợp chất Saponin trong sâm Ngọc Linh có khả năng giúp cơ thể chống lại với rất nhiều loại virus, vi khuẩn khác nhau, tăng cường hệ thống miễn dịch, sức đề kháng, hỗ trợ kháng viêm, kháng khuẩn. Đồng thời, sử dụng sâm hàng ngày còn làm tăng khả năng thích nghi của cơ thể trước những biến đổi thất thường của môi trường, thời tiết, chống lại các bệnh về đường hô hấp  do virus gây bệnh thường gặp như cảm cúm, cảm lạnh,…

Kéo dài tuổi thọ

Chứa nhiều thành phần dược tính vô cùng quý giá mà không loại sâm nào có được, sâm Ngọc Linh được sử dụng như một loại “thần dược” giúp kéo dài tuổi thọ. Sâm có tác dụng bổ sung dưỡng chất tốt để chăm sóc và nâng cao sức khỏe, bảo vệ tế bào. Hơn nữa còn giúp hạn chế sự phát triển của các khối u, cải thiện các vấn đề về bệnh lý cho cơ thể, phòng chống các mầm mống gây bệnh. Từ đó có thể kéo dài tuổi thọ cho người sử dụng.

Giảm nguy cơ ung thư

Thành phần Saponin có trong sâm Việt Nam hoạt động theo cơ chế ức chế sự phát triển của tế bào ung thư giúp kìm hãm lây lan khối u, tế bào ung thư, chống gây đột biến tế bào. Bên cạnh đó giúp người bệnh tăng cường hệ miễn dịch và điều hòa sự tăng sinh của tế bào trong cơ thể. Do đó, cây thuốc giấu này được xem là “thần dược” đối với những người mắc bệnh ung thư.

Giảm nguy cơ ung thư

Chống stress, trầm cảm

Hợp chất Saponin dammaran ở dạng Ocotillol với Majonoside – R2 (MR2), chiếm hơn 50% trong hàm lượng của sâm Ngọc Linh có tác dụng trong việc phục hồi các rối loạn chức năng do stress gây ra. Các hoạt chất này tác động lên hệ thống GABAA của hệ thần kinh trung ương, từ đó giúp điều hòa hiệu quả các chứng rối loại tâm lý do stress gây ra.

Đồng thời giải tỏa căng thẳng, chống trầm cảm, cải thiện tình trạng suy nhược thần kinh và nâng cao tập trung hệ thần kinh. Sâm Việt Nam có tác dụng chống cả stress vật lý lẫn tâm lý và trầm cảm. Trong khi sâm Triều Tiên không có khả năng này.

Bảo vệ tế bào gan

Một trong những công dụng tuyệt vời của cây sâm này là giúp giải độc gan, ức chế sự hoạt hóa chất gây độc cho gan, phòng ngừa viêm gan, xơ gan và bảo vệ gan khỏi các tác nhân gây hại. Hơn nữa, loại dược liệu này còn giúp phục hồi các tế bào gan hư tổn, thúc đẩy khả năng hấp thu của tế bào gan.

Chống oxy hóa, ngăn ngừa lão hóa sớm

Nhiều nghiên cứu chuyên sâu đã chứng minh Saponin trong sâm Ngọc Linh giúp cơ thể trung hòa các gốc tự do, ức chế sự hình thành MDA (sản phẩm của quá trình oxy hóa lipid màng sinh học). Từ đó mang lại tác dụng chống oxy hóa tuyệt vời, ngăn ngừa lão hóa sớm.

Ngoài ra, sâm Ngọc Linh còn cung cấp hàm lượng dưỡng chất dồi dào, đa dạng các nguyên tố vi lượng và khoáng chất cần thiết để cho cơ thể. Các nghiên cứu dược lý lâm sàng cũng chứng minh được hiệu quả tốt của sâm Ngọc Linh như:

  • Thúc đẩy lưu thông tuần hoàn máu, gia tăng chất lượng cũng như số lượng hồng cầu và bạch cầu trong máu.
  • Hỗ trợ điều hòa hoạt động tim mạch, cải thiện tình trạng huyết áp thấp.
  • Tăng cường thể trạng, sinh lực, làm giảm các triệu chứng suy nhược cơ thể.
  • Nâng cao sức đề kháng, giảm đau, kháng viêm.
  • Giúp kích thích ăn ngon, ngủ sâu giấc, tinh thần thoải mái hơn.
  • Điều hòa nội tiết tố, tăng cường chức năng sinh lý.
  • Phối hợp hiệu quả tốt với thuốc kháng sinh và thuốc chữa bệnh tiểu đường.

Cách sử dụng và bảo quản sâm Ngọc Linh

Mang trong mình nhiều dưỡng chất quý hiếm mà không có loại sâm nào trên thế giới có được, sâm Ngọc Linh ngày càng được nhiều người sử dụng như một bài thuốc quý để hỗ trợ điều trị bệnh và bồi bổ cơ thể. Không chỉ phần rễ củ mà cả phần thân và lá của sâm đều được tận dụng.

Bạn có thể sử dụng sâm Ngọc Linh bằng cách phơi khô hoặc để tươi, ngậm trực tiếp trong miệng, ngâm với rượu hay mật ong, hãm trà để uống. Hoặc cũng có thể kết hợp sâm với các nguyên liệu thực phẩm và nhiều loại thảo dược khác để tạo thành những món ăn, thức uống ngon, đầy dinh dưỡng, góp phần tăng thêm hiệu quả.

Cách sử dụng và bảo quản sâm Ngọc Linh

Đối với sâm Ngọc Linh tươi sau khi mua về, bạn nên làm sạch hết các bụi bẩn, đất cát bám trên củ bằng cách nhúng nước rồi lấy bàn chải đánh sạch. Sau đó, dùng khăn mềm lau sạch và thấm khô củ sâm. Không nên rửa sâm dưới vòi nước chảy vì sẽ làm mất đi các chất dinh dưỡng của sâm.

Sâm tươi thường không bảo quản được lâu trong môi trường tự nhiên. Vì vậy, để bảo quản sâm tốt nhất bạn nên cất trong ngăn mát tủ lạnh hoặc ngâm với rượu, mật ong.

Sâm Ngọc Linh khô sẽ để được trong thời gian lâu và dễ dàng bảo quản hơn vì nó đã được sấy khô. Bạn chỉ cần cho sâm vào túi bạc, túi nilon hoặc túi hút chân không. Sau đó để sâm ở nơi khô ráo, thoáng mát hoặc bọc nhiều lớp giấy bạc và để vào trong ngăn mát tủ lạnh. Không nên để sâm ở các nơi ẩm, tiếp xúc trực tiếp với ánh sáng mặt trời vì như vậy sẽ làm sâm bị mốc và giảm chất lượng.

Dưới đây là một vài công thức chế biến sâm Ngọc Linh phổ biến hiện nay:

Ngậm tan sâm Ngọc Linh trong miệng

Đây là cách sử dụng sâm Ngọc Linh cơ bản và đơn giản nhất. Bạn chỉ cần cắt 1 lát sâm và ngậm trực tiếp trong miệng cho đến khi tan hết. Cả sâm Ngọc Linh tươi và khô đều có thể ăn trực tiếp. Phương pháp này thích hợp cho những người ốm lâu ngày, chán ăn, mệt mỏi, chức năng hô hấp kém,…

Ngậm tan sâm Ngọc Linh trong miệng
Ngậm tan sâm Ngọc Linh trong miệng

Ngâm rượu sâm Ngọc Linh

Rượu sâm Ngọc Linh được dùng để bảo vệ gan thận, bồi bổ sức khỏe, giúp khí huyết lưu thông, nâng cao thể lực và sức đề kháng. Rượu sâm có vị thanh, dịu ngọt rất dễ uống, đặc biệt thích hợp với nam giới.

Cách thực hiện:

  • Rửa sạch sâm và để cho sâm ráo hết nước.
  • Cho sâm vào bình thủy tinh sạch ngâm với rượu theo tỷ lệ 100g sâm ngâm với 2 – 3 lít rượu. Sau đó đậy nắp kín.
  • Nên chọn loại rượu nấu truyền thống từ 50 – 70 độ.
  • Mang rượu đi ủ ở nơi kín, khô ráo, sạch sẽ.
  • Sau 3 – 6 tháng, rượu sẽ dần chuyển màu sậm và lắng ở đáy bình.
  • Rượu ngâm từ 3 tháng trở lên có thể sử dụng được. Tuy nhiên, rượu ngâm ủ càng lâu, khoảng 1 năm trở lên thì uống sẽ ngon hơn.
  • Bạn có thể uống từ 50 – 100ml rượu sâm mỗi ngày.

Sâm Ngọc Linh ngâm mật ong

Mật ong rừng được biết đến là một nguyên liệu chứa nhiều chất dinh dưỡng, giàu chất chống oxy hóa, có tác dụng tốt đối với sức khỏe và làm đẹp. Kết hợp mật ong rừng với sâm Ngọc Linh là cách dùng phổ biến nhất, mang lại hiệu quả tối ưu nhất, phù hợp với nhiều đối tượng sử dụng từ trẻ nhỏ đến người lớn.

Cách thực hiện:

  • Sâm Ngọc Linh sau khi rửa sạch, để ráo nước và đem đi thái thành lát dày 1 – 1.5mm.
  • Phơi sâm cho khô lại một chút rồi xếp vào bình thủy tinh sạch.
  • Đổ mật ong rừng vào ngâm cho ngập hết mặt sâm.
  • Đậy nắp thật kín và để ở nơi thoáng mát, khô ráo, tránh ánh nắng trực tiếp.
  • Trong quá trình ngâm bạn sẽ thấy có hiện tượng nổi bọt trên bề mặt nên cần chú ý vớt bọt để sâm không bị chua, mốc.
  • Ngâm trong khoảng 1 tháng là có thể sử dụng được.
  • Mỗi ngày ngậm 1 – 2 lát sâm mật ong hoặc có thể pha 1 thìa nhỏ với nước ấm để uống vào mỗi buổi sáng.
Sâm Ngọc Linh ngâm với mật ong
Sâm Ngọc Linh ngâm với mật ong

Pha trà sâm Ngọc Linh

Sử dụng trà sâm Ngọc Linh như một thức uống giải khát sẽ mang đến nhiều lợi ích tuyệt vời cho sức khỏe. Trà sâm Ngọc Linh có tác dụng giúp tinh thần thư giãn, giảm căng thẳng, mệt mỏi trong công việc và học tập, kích thích thần kinh, tăng cường trí nhớ.

Đồng thời, giúp tăng cường hệ miễn dịch, hỗ trợ điều hòa huyết áp và giảm lượng cholesterol trong máu ngăn ngừa bệnh tim mạch. Đặc biệt, trà sâm Ngọc Linh còn là “thần dược” chống lão hóa, giữ cho da luôn được căng mịn, hồng hào.

Cách  làm:

  • Rửa sạch sâm, để ráo nước và cắt thành lát.
  • Cho 3 – 5 lát sâm vào ấm trà.
  • Đổ một ít nước sôi vào để tráng ấm và sau đó bỏ nước này đi.
  • Tiếp tục cho thêm nước sôi vào, đậy nắp kín để ủ trà trong khoảng 5 phút là có thể dùng được.
  • Có thể châm thêm nước vào trà để dùng nhiều lần cho đến khi cảm thấy vị trà nhạt dần.
  • Phần bã trà có thể ngậm và ăn như bình thường.
Pha trà sâm Ngọc Linh
Pha trà sâm Ngọc Linh

Những lưu ý khi chọn mua sâm Ngọc Linh tránh hàng giả

Không chỉ mang nhiều giá trị về mặt y học, sâm Ngọc Linh còn mang lại nhiều lợi ích về mặt kinh tế. Bên cạnh đó, nhu cầu tiêu thụ cũng ngày càng tăng cao. Chính vì vậy, trên thị trường xuất hiện ngày càng nhiều các loại sâm Ngọc Linh giả, không rõ nguồn gốc, xuất xứ được bày bán tràn lan nhằm trục lợi bất chính, gây nhiều nguy hại đến người tiêu dùng.

Có khoảng 3 loại sâm Ngọc Linh giả đã được phát hiện:

  • Loại 1: Một giống sâm tạm gọi tên là sâm 1A, cùng chi Panax, có DNA giống với sâm Ngọc Linh 97%. Loại sâm này sinh trưởng ở vùng biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc.
  • Loại 2: Củ tam thất hoang có hình dạng khá giống với sâm Ngọc Linh. Củ tam thất có cùng chi nhân sâm nhưng giá trị dinh dưỡng kém hơn rất nhiều so với sâm Ngọc Linh.
  • Loại 3: Sâm Ngọc Linh làm giả từ củ ráy. Loại củ này có hình dạng khá giống cây khoai môn, mọc phổ biến ở vùng núi, nơi có khí hậy nóng ẩm. Rễ củ ráy dài, nhiều đốt ngắn và có hình dạng khá giống sâm Ngọc Linh nên được sử dụng để làm giả.
Những lưu ý khi chọn mua sâm Ngọc Linh tránh hàng giả
Những lưu ý khi chọn mua sâm Ngọc Linh tránh hàng giả

Vì vậy, để tránh mua nhầm phải hàng giả, “tiền mất tật mang”, bạn có thể tham khảo một vài lưu ý sau khi chọn mua sâm Ngọc Linh.

Đối với sâm mọc tự nhiên:

  • Có nhiều mắt, các mắt sâm lõm vào thân, nằm so le nhau và ít rễ.
  • Phần củ bên trong có màu vàng nhạt, phần thân hơi tím hoặc xám nhạt, màu sắc không đều nhau.
  • Các đường vân trên lát cắt đều, xơ nhỏ.
  • Sâm có mùi thơm nồng đặc trưng, khi nếm có vị đắng gắt, nhưng càng về sau sẽ có vị ngọt thanh, dịu lại ở cổ.
  • Thịt sâm giòn và chắc, không ra nhiều nước.
  • Vỏ rất mỏng và nhẵn, nếu rửa sạch thì sẽ thấy có màu nâu vàng hoặc xanh xám.

Sâm ngọc linh tự nhiên

Đối với sâm trồng tự nhiên:

  • So với sâm mọc tự nhiên, sâm trồng có kích thước và hình dáng trồng khá đồng đều.
  • Phần thân trên có màu xanh đen, xanh rêu. Thân dưới có màu vàng như khoai tây.
  • Xung quanh thân có các nốt sẹo và những cục u do rễ con phồng lên chứa chất dinh dưỡng nuôi cây.
  • Rễ xum xuê, ít mắt hơn sâm tự nhiên.
  • Sâm trồng ăn không giòn, hơi mềm và ra nhiều nước. Vị sâm sẽ đắng lúc đầu và ngọt về sau.

Sâm Ngọc Linh là một trong những loại thảo dược vô cùng quý hiếm trên thế giới. Không thể nào phủ nhận những công dụng hữu ích của sâm với sức khỏe con người. Tuy nhiên, giữa thị trường thật – giả lẫn lộn như hiện nay, bạn cần biết cách phân biệt hàng thật và hàng giả để tránh những nguy hại cho sức khỏe. Bên cạnh đó, bạn cũng nên tìm đến những cơ sở bán uy tín, đảm bảo chất lượng để được tư vấn và chọn mua được cây sâm tốt nhất.

Hy vọng, bài viết trên sẽ cung cấp cho bạn những thông tin hữu ích về sâm Ngọc Linh.